Chưa quan hệ có bị nhiễm hpv không? Giải đáp chi tiết nhất

HPV là một loại virus gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe sinh sản. Virus này lây truyền qua đường tình dục và có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Vậy thì người chưa quan hệ tình dục có bị nhiễm HPV hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về HPV

Human Papilloma Virus (HPV) là một loại virus gây u nhú ở người. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, tại Mỹ mỗi năm có khoảng 36.000 phụ nữ và nam giới bị nghi ngờ mắc bệnh lý ung thư do virus HPV gây ra.

1. HPV là gì?

Virus HPV có nhiều chủng khác nhau. Theo thống kê, có hơn 100 chủng virus tồn tại. Số ít trong các chủng virus HPV là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong số này, có trên 40 chủng virus HPV có thể gây bệnh ở các bộ phận sinh dục. Trong đó, 15 chủng có nguy cơ cao, có liên quan đến các bệnh như ung thư cổ tử cung và các vùng sinh dục khác. Các biến thể ít nguy hiểm hơn thường dẫn đến việc xuất hiện mụn cóc ở các khu vực như bộ phận sinh dục và bàn chân.

Trong số những chủng HPV gây ra bệnh ung thư cổ tử cung, chủng 16 và 18 được xem xét là nguy cơ cao nhất. Chúng chiếm tỷ lệ khoảng 70% trong số các trường hợp ung thư cổ tử cung. Sau khi nhiễm virus HPV, có thể mất nhiều năm, thậm chí từ vài năm đến 10 năm, trước khi xuất hiện triệu chứng của bệnh ung thư.

2. Nguyên nhân nhiễm HPV

Virus HPV đặc biệt khó kiểm soát do cách lây truyền đa dạng và khả năng ủ bệnh kéo dài, thậm chí kéo dài vài năm. Chuyên gia y tế xác định rằng nhiễm virus HPV xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể thông qua tiếp xúc da-da, tiếp xúc với vết thương hở hoặc lây từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền virus HPV:

  • Quan hệ với nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình càng nhiều, cơ hội nhiễm virus HPV qua đường tình dục tăng cao. Điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Độ tuổi: Mụn cóc sinh dục thường phát triển phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên.

  • Hệ thống miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu, như người mắc HIV/AIDS hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ nhiễm virus HPV cao hơn.

  • Da tổn thương: Vùng da bị hở hoặc có vết thương là nơi mụn cóc phát triển dễ dàng hơn.

  • Tiếp xúc không an toàn: Chạm vào mụn cóc của người khác hoặc không sử dụng bảo vệ trước khi tiếp xúc với các bề mặt chứa virus HPV, như vòi sen công cộng, hồ bơi, nắm tay cửa, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus HPV.

3. Các con đường lây nhiễm HPV

Virus HPV là một vấn đề phổ biến và dễ lây truyền qua nhiều con đường:

  • Lây truyền qua đường tình dục: Virus HPV dễ bám vào da khi có tiếp xúc da-da, như trong quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Ngoài ra, virus cũng có thể nhiễm khi tiếp xúc với màng nhầy (ở miệng, môi, hậu môn, hoặc các bộ phận của cơ quan sinh dục), hoặc khi tiếp xúc với vết thương, ví dụ vết rách âm đạo.

  • Lây truyền không qua đường tình dục: Trong một số trường hợp hiếm, virus HPV có thể lây nhiễm từ mẹ sang con hoặc thông qua tiếp xúc da, niêm mạc có vết thương, tiếp xúc với vật dụng có chứa dịch tiết cơ thể như đồ lót, hoặc tiếp xúc với tổn thương như vết loét hoặc chảy máu.

Virus HPV thường không gây triệu chứng rõ ràng, tồn tại âm thầm trong cơ thể và có thể kéo dài nhiều năm. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khi phát hiện bệnh, nó đã tiến triển nặng, khó điều trị, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và có nguy cơ tử vong, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu, có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục từ khi còn rất trẻ.

Người chưa quan hệ có bị nhiễm HPV không?

Nhà nghiên cứu người Mỹ Lea Widdice (Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ) đã tiến hành một cuộc phân tích với 259 cô gái trong độ tuổi từ 13 đến 21 tại phòng khám Cincinnati trong giai đoạn từ giữa năm 2008 đến năm 2010. Những cô gái tham gia nghiên cứu này được chia thành hai nhóm: những người đã có quan hệ tình dục và những người chưa từng có.

Trong tổng số 190 người trong nhóm đã có quan hệ tình dục, một phần đã có nhiều đối tác tình dục, và trong số họ, 133 người đã thử nghiệm dương tính với HPV. Có vẻ rằng con đường chính để nhiễm virus HPV vẫn là thông qua quan hệ tình dục.

Trong khi đó, trong nhóm còn lại gồm 69 người chưa từng quan hệ tình dục, có tới 8 người đã thử nghiệm dương tính với HPV. Trong số 8 người này, có 2 người còn có loại chủng HPV16, một trong những loại có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.

Nhà nghiên cứu Eduardo Franco, người Mỹ cũng tham gia vào cuộc nghiên cứu này, chia sẻ quan điểm rằng các trường hợp dương tính với HPV trong nhóm chưa từng quan hệ tình dục có thể xuất phát từ tiếp xúc tình dục không rõ ràng.

Tuy nhiên, nên lưu ý rằng nghiên cứu này không phân biệt được xem virus HPV được tìm thấy ở cổ tử cung hay âm đạo, và việc tìm thấy virus HPV ở cổ tử cung có nguy cơ gây ung thư cao hơn, nhưng ít phổ biến hơn ở những người chưa từng quan hệ tình dục.

Eduardo Franco cũng đề cập rằng hiện nay có loại vắc-xin có thể ngăn ngừa cả hai loại virus HPV tại cổ tử cung và âm đạo, nhưng để hiệu quả, cần tiêm phòng trước khi nhiễm virus. Do đó, việc tiêm phòng virus HPV từ độ tuổi 11-12 có thể giúp bảo vệ trước cả hai loại virus HPV này và giúp ngăn ngừa bệnh.

Tóm lại, việc có nguy cơ nhiễm virus HPV khi chưa có quan hệ tình dục là có thể xảy ra, và giải pháp tốt nhất để phòng ngừa là tiêm phòng HPV vào độ tuổi được chỉ định: từ 9 đến 26 tuổi.

Làm thế nào để phòng tránh HPV

Có nhiều cách để phòng tránh nhiêm HPV. Tuy nhiên, có 3 cách phổ biến, dễ dàng nhưng lại vô cùng hiệu quả:

1. Tiêm phòng HPV

Vaccine Gardasil và Gardasil 9 (Mỹ) hiện tại là hai vaccine duy nhất có khả năng ngăn ngừa những căn bệnh ung thư nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, ung thư âm hộ/âm đạo, u nhú sinh dục – mà những bệnh này đều xuất phát từ việc nhiễm virus HPV.

Tiêm vaccine phòng ngừa HPV không chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe của trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch cho cộng đồng,  giảm tỷ lệ lây truyền virus HPV trong xã hội.

Tuy nhiên, hiện tại, việc đảm bảo miễn dịch cộng đồng HPV ở nam giới phụ thuộc vào việc phụ nữ tiêm vaccine HPV, do tỷ lệ tiêm vắc xin ở nam giới còn thấp. Điều này đặc biệt đáng chú ý, bởi nam giới có tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh thấp hơn sau khi nhiễm virus HPV tự nhiên và tỷ lệ loại bỏ HPV cũng thấp hơn 26% so với phụ nữ. Việc tiêm vaccine phòng các căn bệnh ung thư liên quan đến virus HPV đang ngày càng cần thiết cho cả nam và nữ, đặc biệt cần thiết trong cộng đồng LGBT, cộng đồng người đồng tính nam MSM (do họ đang phải đối mặt với tình hình không có biện pháp sàng lọc phát hiện các bệnh lý ung thư liên quan đến virus HPV).

Chuyên gia y tế cũng nêu rõ tỷ lệ lây truyền HPV qua đường tình dục ở nam giới cao hơn ở mọi độ tuổi và vaccine thế hệ mới Gardasil 9 hiện đang trở thành một lựa chọn quan trọng nhờ khả năng bảo vệ vượt trội. Mặt khác, vaccine là lựa chọn duy nhất vì hiện chưa có biện pháp tầm soát phát hiện các bệnh lý ung thư liên quan đến virus HPV ở nam giới.

2. Tầm soát ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh, đe dọa tính mạng của phụ nữ, nhất là khi không được phát hiện, điều trị kịp thời. Để phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, việc thực hiện kiểm tra định kỳ là một biện pháp đơn giản và hiệu quả. Tầm soát định kỳ cho phép phát hiện các yếu tố nguy cơ và thiết lập phương pháp điều trị ngay từ giai đoạn sớm, tăng cơ hội điều trị thành công.

Bên cạnh việc tiêm chủng để phòng bệnh, việc thăm khám phụ khoa và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng. Thông thường, sau khi tế bào cổ tử cung trải qua biến đổi bất thường, cần mất thời gian từ 3 đến 7 năm để chúng phát triển thành ung thư. Việc thực hiện xét nghiệm tầm soát có khả năng phát hiện sớm các biến đổi này trước khi chúng tiến triển thành bệnh ung thư. Trong trường hợp tế bào cổ tử cung chỉ có biến đổi nhẹ, có thể theo dõi và kiểm tra định kỳ cho đến khi tình trạng trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi tình trạng biến đổi nghiêm trọng, việc điều trị cắt bỏ vùng tổn thương sẽ là cần thiết.

3. Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn

Để đảm bảo an toàn trong quan hệ tình dục và tránh lây nhiễm các bệnh đường tình dục, trong đó virus HPV là một trong những tác nhân phổ biến, cặp đôi cần tuân theo những quy tắc sau:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, bao cao su đường hậu môn nếu cần thiết.
  • Trong trường hợp quan hệ tình dục qua đường miệng, hãy sử dụng miếng bảo vệ.
  • Không nên chia sẻ đồ lót hoặc khăn tắm với người khác để tránh lây nhiễm bệnh.

Để đảm bảo sức khỏe, nên thực hiện kiểm tra bệnh tình dục mỗi 6 tháng hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra khi có triệu chứng nghi ngờ về bệnh. Trong trường hợp đang điều trị bệnh lý đường tình dục, cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ và không quan hệ tình dục cho đến khi bệnh hoàn toàn khỏi, nhằm tránh lây nhiễm cho đối tác và nguy cơ làm tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn.

Trên đây là những thông tin cơ bản về HPV. Thông qua bài viết này cũng đã lý giải được vấn đề “Chưa quan hệ có bị nhiễm HPV hay không?”. Hi vọng với những thông tin này, bạn sẽ có những hiểu biết tường tận và phòng bị cho mình cách phòng tránh HPV đúng đắn, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *